DƯỢC KHOA XANH | Chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé có nguồn gốc từ dược liệu tự nhiên

Bà bầu cần thận trọng với đái tháo đường thai kỳ

08 tháng 03 2024
Tú Xương

Đái tháo đường thai kỳ là một trong những vấn đề sức khỏe đáng lo ngại cho mẹ bầu trong thời gian mang thai. Cùng Dược Khoa Xanh đi tìm hiểu về căn bệnh này nhé!

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ LÀ GÌ?

Đái tháo đường thời kì thai kì 

Đái tháo đường thời kì thai kì 

Theo định nghĩa, đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose và/hoặc tăng  đường huyết được phát hiện lần đầu tiên trong thai kỳ. Tuy nhiên, định nghĩa này không loại trừ trường hợp người bệnh có ĐTĐ từ trước mà không biết.
Thông thường, tỉ lệ lưu hành của đái tháo đường thai kỳ thay đổi từ 1-14%. Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu thực hiện tại Quận 8 thành phố Hồ Chí Minh, tỉ lệ đái tháo đường thai kỳ khoảng 4%. Một số nghiên cứu tại các địa phương khác cho thấy tỉ lệ có thể lên đến khoảng 7-10%.

TẦM SOÁT ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG THAI KỲ

Ngay khi thai phụ đến khám thai lần đầu, nên đánh giá các yếu tố nguy cơ. Nếu thai phụ có yếu tố nguy cơ sẽ phải thử glucose huyết lúc đói ngay.
Nếu glucose huyết lúc đói ≥ 126 mg/dL hoặc glucose huyết bất kỳ ≥ 200mg/dL, thử lại glucose huyết vào ngày sau để chẩn đoán.
Nếu glucose huyết bình thường sẽ thực hiện tầm soát vào tuần lễ thứ 24-28 của thai kỳ.
Bảng 1: Các yếu tố nguy cơ của ĐTĐ thai kỳ

+ Tuổi thai phụ > 37tuổi.
+ Thuộc sắc tộc có nguy cơ (Ấn Độ, Đông Nam Á, Ả Rập/ Địa Trung Hải, châu Phi/ Vùng
biển Caribê).
+ Béo phì.
+ Tiền sử gia đình bịđái tháo đường (cha mẹ, anh chị em ruột).
+ Tiền sử sinh con to (cân nặng lúc sinh > 4000gam), đa ối.
+ Tiền sử thai chết lưu không có nguyên nhân.
+ Hội chứng buồng trứng đa nang.

THAI NHI CỦA CÁC SẢN PHỤ BỊ ĐTĐ THAI KỲ CÓ NGUY CƠ GÌ?

1. Các dị tật bẩm sinh

Các dị tật bẩm sinh ở trẻ

Các dị tật bẩm sinh ở trẻ

✔ Nếu người mẹ không được kiểm soát tốt đường huyết thì thai nhi có nguy cơ cao bị các dị tật bẩm sinh, có thể rất nặng. Các dị tật có thể gặp ở hệ thần kinh (thai vô sọ, nứt đốt sống, não úng thủy), hệ tiết niệu (teo thận, nang thận, hai niệu đạo), nhưng phổ biến nhất là các dị tật tim mạch (thông liên thất, thông liên nhĩ, đảo chỗ các mạch máu lớn)...
✔ Tỉ lệ này ở những đứa trẻ là con của các bà mẹ kiểm soát đường huyết kém là 6-12%, so với 2% ở những đứa trẻ của các bà mẹ không bị ĐTĐ hoặc có ĐTĐ nhưng đường huyết được kiểm soát tốt. Vì đường huyết người mẹ ở trong giai đoạn sớm của thai kỳ có liên quan tới tỉ lệ thai nhi bị dị tật, nên cần phải kiểm soát tích cực đường huyết trước khi có thai và trong suốt thời kỳ mang thai.

2. Thai to trên 4.000 gam hoặc thai kém phát triển

✔ Nhiều thai nhi của các bà mẹ được kiểm soát đường huyết kém có trọng lượng to so với tuổi thai. Thai to là hậu quả của 1 chuỗi các bất thường: đường huyết của mẹ cao -> đường huyết của thai cao -> tăng tiết insulin ở thai -> kích thích thai phát triển to. Một số nguyên nhân gây thai to khác như một số chất chuyển hoá qua được rau thai, ví dụ các a xít a min chuỗi nhánh có tác dụng kích thích tiết sinh insulin, hoặc các lipid qua được rau thai có thể đóng góp vào việc tích trữ mỡ nhiều ở thai.
✔Ngược lại, thai của một số bà mẹ bị ĐTĐ lâu, đã có biến chứng mạch máu thường bị kém phát triển trong tử cung, có thể do sự kém tưới máu nuôi dưỡng cho tử cung-nhau thai. Một nguyên nhân khác là do kiểm soát đường huyết quá chặt (đường huyết sau ăn trung bình < 6,1 mmol/l) cũng làm thai kém phát triển Khi làm siêu âm thấy tất cả các đường kính thai nhi đều có thể dưới mức bình thường nhưng vòng bụng chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

3. Đa ối

Đa ối

Tình trạng đa ối

✔ Đa ối là tình trạng có quá nhiều nước ối (trên 1000 ml, thường là hơn 3000 ml), làm cho các sản phụ rất khó chịu hoặc đau nhiều trước khi đẻ, và thường kết hợp với thai to. Tăng thể tích nước ối có liên quan không chỉ với nồng độ đường huyết, mà còn với các chất tan trong nước ối hoặc do thai bài tiết quá nhiều nước tiểu. Các yếu tố khác có thể là do thai giảm nuốt, hoặc do rối loạn vận chuyển nước qua các khoang trong buồng tử cung... Rất hiếm gặp đa ối ở những thai phụ được kiểm soát tốt đường huyết.

4. Xảy thai hoặc thai chết lưu

Trước những năm 1970, tỉ lệ thai chết lưu ở những phụ nữ bị ĐTĐ trong 3 tháng cuối của thai kỳ là hơn 5%. Các nguyên nhân chính gây chết thai là dị tật bẩm sinh, suy hô hấp thai hoặc người mẹ bị nhiễm toan xê tôn. Một số trường hợp chết thai có liên quan đến sản giật hoặc tiền sản giật, là 1 biến chứng khá phổ biến ở những sản phụ bị ĐTĐ. Ngày nay nhờ được chẩn đoán sớm hơn và kiểm soát đường huyết tốt hơn nên tỉ lệ này giảm xuống rõ rệt.

ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG LÚC CÓ THAI

1. Mục tiêu đường huyết
✔ Các BN ĐTĐ thai kỳ phải được kiểm soát đường huyết tích cực và an toàn trong một khoảng hẹp, để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi
✔Đường huyết lúc đói < 5,8mmol/l, đường huyết 1 giờ sau ăn 7,8mmol/l và 2 giờ sau ăn < 7,2mmol/l. Cũng không nên để mức đường huyết lúc đói thấp 3,4 mmol/l.

2. Dinh dưỡng điều trị

Thực đơn cho mẹ bị đía tháo đường 

Thực đơn cho mẹ bị đía tháo đường 

✔ Tổng số năng lượng mỗi ngày dành cho BN ĐTĐ thai kỳ được tính dựa trên cân nặng lý tưởng. Trên phụ nữ đã có cân nặng lý tưởng tổng số năng lượng là 30 Kcal/kg, những thai phụ gày cần nhiều năng lượng hơn và ngược lại. Chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo sự tăng trọng cần thiết trong thai kỳ: 0,45kg mỗi tháng trong quí đầu, 0,2-0,35kg mỗi tuần trong quí 2 và 3 của thai kỳ.
✔BN ĐTĐ thai kỳ nên kiêng các thức ăn, nước uống chứa nhiều đường hấp thu nhanh như sữa đặc, nước ngọt, bánh kẹo... và hạn chế các đồ ăn nếp như xôi, bánh chưng... Khuyến khích ăn các loại carbohydrat hấp thu chậm (đường phức và các chất xơ). Tổng số năng lượng được chia đều cho 3 bữa ăn chính và 3 bữa ăn phụ nhưng không nên ăn nhiều carbohydrat vào buổi sáng.
3. Điều trị bằng thuốc

✔ Điều trị bằng thuốc được chỉ định khi BN không thể ổn định đường huyết bằng tiết chế đơn thuần. Cho đến nay insulin human (nguồn gốc người) là thuốc duy nhất được FDA chấp nhận cho điều trị BN ĐTĐ thai kỳ, như Insulin thường (Insulin Actrapid) và Insulin bán chậm NPH (Insulatard) hoặc Insulin hỗn hợp (Mixtard) giữa Insulin thường và Insulin NPH. Liều trung bình lúc khởi đầu là 0,3 đơn vị/ kg cân nặng/ngày, chia tiêm dưới da 2-4 lần mỗi ngày, vào trước bữa ăn và trước lúc đi ngủ.
✔Các BN ĐTĐ thai kỳ cần đo đường huyết 4-6 lần/ngày (vào trước bữa ăn và 2 giờ sau ăn, trước khi đi ngủ). BN cần liên hệ với Bác sỹ ngay nếu thấy kết quả đường huyết cao hoặc thấp bất thường. Chú ý thử xê tôn niệu khi đường huyết không ổn định hoặc khi thai phụ bị nôn nhiều.

THỜI GIAN SINH VÀ PHƯƠNG PHÁP SINH

Thời gian sinh và phương pháp sinh con 
Thời gian sinh và phương pháp sinh con 

1.Thời điểm đẻ thích hợp

Dựa trên kết quả thăm khám, các bác sỹ sản khoa sẽ quyết định khi nào cho đẻ là tốt nhất. Trừ khi người mẹ hoặc thai nhi có biến chứng, thì thời điểm sinh tốt nhất là vào tuần thứ 38-41 để phòng ngừa một số biến chứng do đẻ sớm, nhất là suy hô hấp do phổi chưa trưởng thành. Tuy nhiên có thể cho đẻ trước tuần thứ 38 nếu phát hiện thấy thai to. Nếu quyết định cho sinh sớm trước tuần 37 thì phải xem xét đến sự phát triển phổi của thai nhi bằng xét nghiệm nước ối.

2. Đường đẻ thích hợp

Nếu dự đoán được là phổi của thai đã trưởng thành thì việc chọn lựa cho đẻ đường nào giống hệt như những sản phụ không bị ĐTĐ.
Nếu khám lâm sàng và làm siêu âm thấy thai to thì cân nhắc mổ đẻ để tránh nguy cơ đứa trẻ bị trật khớp vai hoặc chấn thương khi đẻ đường dưới. Cách khác là cho truyền thuốc kích thích đẻ vì các nguy cơ cho người mẹ sẽ thấp hơn khi đẻ được đường dưới. Trong khi đang chuyển dạ vẫn cần tiếp tục theo dõi tim thai và điều chỉnh đường huyết.
 Đường huyết người mẹ trong cuộc đẻ nên được kiểm soát < 6,1 mmol/l, nếu để trên 8,3 mmol/l thì khả năng thai nhi bị thiếu oxy sẽ cao.

CÁC NGUY CƠ CÓ THỂ XẢY RA Ở TRẺ SƠ SINH TRONG TUẦN ĐẦU SAU ĐẺ

1. Suy hô hấp cấp

Con của những sản phụ không được kiểm soát đường huyết tốt có nguy cơ cao bị suy hô hấp cấp do phổi chưa phát triển hoàn chỉnh, bệnh thường nặng và tỉ lệ tử vong khá cao. Trẻ bị suy hô hấp cấp thường thở rất nhanh trên 60 lần/ phút, khò khè, co kéo lồng ngực và cả bụng, tím tái... việc điều trị khá phức tạp nhưng ngày nay đã có 1 số phương pháp đạt kết quả tốt.

2. Hạ đường huyết

Hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh

Hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh có thể bị hạ đường huyết trong vòng 48 giờ đầu sau đẻ, đường huyết có khi thấp dưới 1,7 mmol/l. Nguyên nhân là do tình trạng tăng insulin máu vẫn còn tồn tại sau đẻ. Thường đứa trẻ bị hôn mê hơn là kích thích, và hạ đường huyết có thể phối hợp với ngừng thở, hoặc thở nhanh, tím, hoặc co giật. Phòng ngừa bằng cách cho uống nước đường hoặc cho qua sonde dạ dày sau đẻ khoảng 1 giờ, nếu biện pháp này không thành công thì cho truyền tĩnh mạch đường glucose. 

3. Một số rối loạn khác 

Nguyên nhân là hạ canxi máu, tăng bilirubin máu (gây vàng da), đa hồng cầu và ăn kém
>>> Xem thêm bài viết: Những bệnh thường gặp thời kỳ hậu sản mẹ cần lưu ý

Tất cả các BN ĐTĐ thai kỳ cần được điều trị tích cực nhằm kiểm soát tốt đường huyết trong suốt thời gian mang thai. Bên cạnh đó, thai nhi cần được theo dõi thường xuyên để có thể phát hiện được sớm các dị tật, các nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai, từ đó các thầy thuốc có kế hoạch can thiệp kịp thời và hiệu quả nhất.
Nếu có đái tháo đường thai kỳ, sản phụ sẽ được tầm soát bệnh đái tháo đường sau khi sinh khoảng 6-12 tuần và tiếp tục theo dõi sau đó ít nhất 3 năm một lần để kịp phát hiện đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường.

Viết bình luận của bạn
Mục lục
Mục lụcNội dung bài viếtx
Messenger